Chúng ta cần tạo ra một xã hội không phát thải carbon từ những bài học trong đại dịch

Bà Alexandra Hagen, người sáng lập văn phòng kiến trúc White Arkitekter ở Thụy Điển đã chia sẻ quan điểm của mình về những ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh Covid-19 lên các thành phố trên thế giới.

“Dịch bệnh bắt chúng ta áp dụng công nghệ nhiều hơn”

Dịch bệnh đã khiến chúng ta phải thay đổi góc nhìn và cách sử dụng các tòa nhà, nói rộng hơn là cả một thành phố. Chúng ta phải thích nghi, cập nhật những công nghệ mới, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, sự thay đổi bắt buộc phải diễn ra nhanh chóng hơn. Việc áp dụng công nghệ mới giờ đây liên quan đến sự thay đổi trong văn hóa, cách sống và không còn đơn thuần là sự đổi mới. Các khu dân cư đông đúc cần được quan tâm nhiều hơn và bổ sung các dịch vụ thiết yếu.

“Thói quen của con người đã thay đổi rất nhiều khi dịch bệnh xảy ra, mục đích sử dụng các tòa nhà cũng phải thay đổi theo”

Một trong những tác động ngắn hạn đối với kiến trúc là các KTS phải thiết kế linh hoạt công năng. Nhu cầu của con người thay đổi nhanh nên các công trình kiến trúc cũng cần thay đổi nhanh chóng. Ví dụ thực tế là một bệnh viện mà chúng tôi hoàn thành vào năm 2019 với 23 phòng điều hành đã được chuyển đổi thành 64 đơn vị chăm sóc đặc biệt chỉ sau 10 ngày trong bối cảnh dịch bệnh.

Ở một số nơi, khách sạn đã cho thuê theo tháng, theo quý,… Các gian hàng trống trong khu thương mại được dùng làm văn phòng tạm thời. Đại dịch đã khiến chúng ta nhận thức được vai trò của sự linh hoạt. Chúng tôi xây dựng những công trình có tuổi thọ hàng thế kỷ và để duy trì giá trị của chúng, các toà nhà cần phải thích nghi với sự thay đổi trong ngắn hạn và dài hạn.

Đại dịch cũng đã thay đổi cách chúng ta sử dụng không gian công cộng, chúng ta đi bộ, đi xe đạp thay vì đi trên các phương tiện giao thông công cộng bởi lý do giãn cách. Các công viên, không gian công cộng, làn đường dành cho xe đạp và lối đi cho người đi bộ trở nên quan trọng với các thành phố hơn bao giờ hết.

Đại dịch cuối cùng đã khiến cả người dân và chính quyền phải lên tiếng yêu cầu sự chuyển đổi bền vững.  Tôi hy vọng rằng vì đại dịch, chúng ta sẽ có được động lực cần thiết để tạo ra một xã hội xanh, không phát thải carbon. Với các KTS và nhà thiết kế, chúng ta có thể tạo ra những tác động to lớn vì đây là một công cụ mạnh mẽ để thay đổi thế giới.

Tôi muốn đề cập đến sáu thứ sẽ có xu hướng thay đổi trong tương lai.

 1. Chất lượng ở nơi làm việc

Đối với nhiều ngành kinh doanh, giờ đây nhân viên không cần phải đến văn phòng thường xuyên, nhiều lĩnh vực, phòng ban có thể mang lại hiệu quả làm việc từ xa. Tuy nhiên, văn phòng vẫn là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng, thể hiện văn hoá công ty và làm những công việc cần phải gặp mặt trực tiếp.

Tôi dự đoán các doanh nghiệp sẽ không cần nhiều văn phòng trong trung tâm thành phố như trước, thay vào đó là sự gia tăng của các thành phố quy mô trung bình nằm gần các khu vực đô thị lớn, vì ở đây mọi người có thể tìm thấy chất lượng cuộc sống tốt hơn với chi phí thấp hơn.

 2. Chúng ta có thể đi bộ nhiều hơn 

Sự chuyển đổi bền vững kêu gọi vận chuyển ít hơn, do đó, người dân sẽ có nhu cầu về sự đa dạng, nơi mọi người sẽ tìm được thứ mình cần trong khoảng cách có thể đi bộ hoặc đi xe đạp.

3. Sự trỗi dậy của các xu hướng mới

Ngành bán lẻ đóng một vai trò quan trọng, cung cấp nhu cầu thiết yếu cho người dân. Tuy nhiên, đại dịch đã bắt chúng ta chuyển sang mua sắm từ xa nhiều hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần mua sắm ít hơn, thông minh hơn.

Bán lẻ có thể chỉ cần các cửa hàng quy mô trung bình, nhỏ ở trong thành phố, trong khi đó kho hàng sẽ được đặt tại ngoại ô.

 4. Tầm quan trọng của công viên và không gian công cộng

Do hậu quả của các đại dịch trước đây, như dịch cúm ở Tây Ban Nha, chúng ta đã thấy thêm nhiều khoản đầu tư vào không gian công cộng và công viên.  Chúng ta biết rằng dịch bệnh lây lan nhanh hơn ở những khu vực đông dân cư, vậy nên cần tạo ra nhiều khoảng đệm bằng không gian công cộng và công viên. Điều đó còn giúp cải thiện tinh thần và sức khỏe cho cư dân. Các công viên công cộng được đầu tư góp phần xây dựng thương hiệu cho thành phố, giúp nâng cao sự đa dạng sinh học, ngăn ngừa ngập lụt và điều hoà khí hậu.

5. Sử dụng hiệu quả các công trình hiện có

Các tòa nhà thiếu mục đích sử dụng sẽ là cái chết cho thành phố và chúng ta đã thấy rõ điều này trong bối cảnh đại dịch. Các tòa nhà trống trải cũng là một sự lãng phí tài nguyên và chúng cũng tạo ra ít nguồn thu hơn cho chủ đầu tư. Tôi tin rằng sẽ có một làn sóng chuyển đổi các tòa nhà hiện có. Còn để đạt được một xã hội không phát thải carbon, chúng ta phải làm tốt hơn trong việc sử dụng các tòa nhà cho nhiều mục đích khác nhau, lấp đầy công năng vào những khoảng thời gian trong ngày.

 6. Vòng tròn thiết kế và tái sử dụng có khả năng trở thành tiềm năng đồng thời là một thách thức lớn cho các nhà thiết kế

Chúng ta phải thiết kế các tòa nhà để có thể tháo rời được và sử dụng vật liệu tái chế nhiều hơn. Đây là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới và tôi muốn trích dẫn lời của Ursula von der Leyen: “Chúng ta cần thay đổi hệ thống của chính mình, những quan niệm cũ để phù hợp với phong cách bền vững”.  Tôi cũng rất mong chờ cuộc hành trình này sẽ như thế nào.

Biên dịch | Hoàng Anh (Nguồn: Dezeen)